Số phận hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan vụ án Phó Đức Nam

Theo luật sư, bất kỳ người nào đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi giúp sức, xúi giục các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng đều bị xử lý hình sự.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công an TP Hà Nội) cho biết, có hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan vụ án Phó Đức Nam (còn gọi là Mr Pips) và “những người này sẽ rơi vào vòng lao lý”.

Trao đổi về tình huống pháp lý trên, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Theo quy định tại điều 12 của Bộ luật Hình sự, người từ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Học sinh, sinh viên từ đủ 16 tuổi trở lên có hành vi giúp sức cho đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam cầm đầu để chiếm đoạt tài sản của người bị hại từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy học sinh, sinh viên tham gia vào đường dây của Phó Đức Nam biết được thủ đoạn gian dối nhưng vẫn tiếp tay giúp sức sẽ bị xác định là đồng phạm.

Hành vi giúp sức cho các đối tượng lừa đảo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm, khung hình phạt của tội này có thể ở mức phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân nếu tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.

z6116604977746 0c3d686f7251a251306ae68c268c98a1 112932 123203.jpgĐối tượng Phó Đức Nam. Ảnh: Công an cung cấp

Theo luật sư Đặng Văn Cường, một vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có đến 1.000 học sinh, sinh viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự do giúp sức cho các đối tượng lừa đảo là câu chuyện rất buồn, đáng lo ngại, bởi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người trẻ.

Pháp luật quy định về khoan hồng đối với những người chưa đủ 18 tuổi, theo đó những người này sẽ phải chấp hành hình phạt tù không quá 18 năm. Tuy nhiên, đối với các sinh viên là những người đã đủ 18 tuổi, mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và gần như không còn cơ hội để tiếp tục học tập nếu bị xử phạt tù.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ hành vi, vai trò, nhận thức, vấn đề hưởng lợi để có sự phân hóa, phân loại, xác định các học sinh, sinh viên này là người bị hại, người liên quan hay là bị can giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Vụ án này là tiếng chuông cảnh tỉnh đến các bạn trẻ về các hoạt động đầu tư tài chính, các công việc làm thêm trên không gian mạng. Nhà trường cần coi đó là bài học trong quản lý, giáo dục, đặc biệt là giáo dục pháp luật, kỹ năng sống để học sinh, sinh viên nhận diện được các phương thức thủ đoạn lừa đảo để bản thân không rơi vào vòng lao lý”, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Tháng 12/2024, lãnh đạo VKSND TP Hà Nội cho biết, đã có quyết định phê chuẩn khởi tố bị can Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, trú Hà Nội) và 24 người khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “không tố giác tội phạm” và “rửa tiền”. Sau đó, khi tiếp nhận nhận điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố thêm một số bị can khác.

“Các bị can áp dụng lừa đảo theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán, khi nạn nhân bị lùa vào là không rút ra được. Số tiền các bị can lừa đảo có thể lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, tìm các nạn nhân để đi đến kết luận cuối cùng”, lãnh đạo VKSND TP Hà Nội cho biết.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/so-phan-hon-1-000-hoc-sinh-sinh-vien-lien-quan-vu-an-pho-duc-nam-2392572.html