
Phiên tòa hé lộ hệ thống sai phạm “khủng” tại Trung tâm Dạy nghề Lái xe Sài Gòn. Nơi đây, lãnh đạo bị cáo buộc lạm quyền, trục lợi hàng trăm tỉ đồng
Ngày 9-4, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến các sai phạm trong hoạt động đào tạo tại Trung tâm Dạy nghề Lái xe Sài Gòn (Trung tâm) có trụ sở tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Sai phạm có tổ chức
Ngay trong ngày đầu tiên, phiên tòa đã hé lộ bức tranh toàn cảnh về hệ thống sai phạm có tổ chức với nhiều mắt xích liên quan tại Trung tâm.
Trước tòa, bị cáo Hồ Đình Thái Hòa, cựu Giám đốc Trung tâm, đã đưa ra những lời khai đáng chú ý. Bị cáo giải thích về các cáo buộc liên quan đến số tiền thu lợi bất chính hơn 100 tỉ đồng và những sai phạm trong hoạt động đào tạo lái xe. Bị cáo Hòa cho rằng con số hơn 100 tỉ đồng mà cơ quan điều tra đưa ra chỉ là số liệu do bộ phận kế toán cung cấp. Bản thân bị cáo không trực tiếp tham gia tính toán trong việc kinh doanh hay phân phối lợi nhuận. Bị cáo Hòa gọi đây là “con số ảo” và cho rằng chưa chính xác.
Bị cáo Hòa thừa nhận Trung tâm chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ bản để đào tạo, bao gồm: giáo viên, phòng học, sân tập lái xe và đội ngũ giảng dạy. Điều này dẫn đến việc tổ chức các khóa học qua loa, không bảo đảm chất lượng. Dù vậy, bị cáo Hòa vẫn cho rằng những điều kiện cơ bản vẫn được bảo đảm, và vấn đề chỉ nằm ở số lượng chưa đầy đủ chứ không phải chất lượng đào tạo.
Các bị cáo tại tòa
Dù khẳng định cáo trạng truy tố không oan sai nhưng lời khai của bị cáo Hòa phần nào mâu thuẫn với kết luận từ cơ quan điều tra. Theo đó, Trung tâm đã giao việc đào tạo cho những cá nhân không đủ tư cách, đồng thời giả mạo hồ sơ để hợp thức hóa việc cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho hơn 39.000 học viên trái quy định từ năm 2020 đến 2023. Số tiền hơn 100 tỉ đồng mà cơ quan công tố cáo buộc được cho là dựa trên các chứng cứ cụ thể như hồ sơ tài chính, giao dịch và lời khai của các đồng phạm. Trước tòa, lời khai của bị cáo Hòa sẽ tiếp tục được đối chất với các tài liệu và chứng cứ mà VKSND TP HCM sẽ trình bày trong phiên xét xử này.
Chất lượng đào tạo lái xe bị xem nhẹ
Một trong những hệ lụy lớn nhất của vụ bê bối này là chất lượng đào tạo lái xe bị xem nhẹ. Theo nội dung cáo trạng, hơn 63.458 học viên đã đăng ký tại Trung tâm nhưng phần lớn không được đào tạo đúng quy trình. Nhiều học viên chỉ học lý thuyết qua online, còn phần thực hành thì được các “nhà đầu tư” tự tổ chức mà không có sự giám sát của Trung tâm. Dẫn đến việc hơn 34.760 học viên thi sát hạch và nhận bằng lái, nhưng không bảo đảm kỹ năng cần thiết để tham gia giao thông an toàn.
Theo hồ sơ vụ án, Trung tâm từng được cấp phép hoạt động hợp pháp với quy mô lớn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai đã cấp 6 giấy chứng nhận, cho phép Trung tâm tăng quy mô tuyển sinh từ 1.840 người/năm vào năm 2016 lên 12.000 người/năm vào năm 2021. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai cũng cấp 8 giấy phép đào tạo, với lưu lượng học viên tăng từ 310 người (năm 2015) lên hơn 1.000 người (năm 2020) và không giới hạn tối đa. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng này là một hệ thống sai phạm có tổ chức.
Đối với bị cáo Hòa, cáo trạng chỉ ra bị cáo đã cố ý xây dựng một mạng lưới hoạt động tinh vi, bao gồm: lập Công ty K27 để hợp thức hóa hồ sơ, thuê giáo viên “thỉnh giảng” không đủ tiêu chuẩn và sử dụng xe tập lái từ các cá nhân bên ngoài. Bị cáo Hòa đã lập Công ty K27, giao Đặng Thái Hân làm giám đốc, để tạo ra những con số “ảo” về xe, giáo viên và cơ sở vật chất. Kết quả, Trung tâm được cấp phép đào tạo hơn 1.000 học viên, rồi mở rộng lên 12.000 học viên/năm. Tổng cộng 63.458 học viên đã đăng ký, mang về hơn 618 tỉ đồng, trong đó bị cáo Hòa được hưởng lợi hơn 118 tỉ đồng.
Bị cáo Dương Văn Đông, khi đó là Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cùng các cán bộ dưới quyền như Nguyễn Thị Mỹ Nhân, Phạm Minh Quân, Nguyễn Nhân Cường, đã cấp phép sai quy định cho Trung tâm. Cụ thể, họ phê duyệt tới: 976 xe tập lái, 1.406 giáo viên, 39 phòng học chuyên môn và 3 sân tập lái – những con số “trên giấy” không đúng sự thật. Giấy phép đào tạo lái xe số 265 ngày 16-1-2020 do Sở GTVT tỉnh cấp đã tạo điều kiện cho Trung tâm hoạt động vượt quy định. Nghiêm trọng hơn, Sở GTVT tỉnh dưới sự quản lý của Đông không hề kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo, để mặc Trung tâm tự tung tự tác. Kết quả, hơn 34.760 học viên đã được thi sát hạch, dù không được đào tạo đúng quy trình.
Bị cáo Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cùng các cán bộ như Nguyễn Hữu Khánh Linh và Đặng Văn Dạng, cũng góp phần lớn vào vụ việc. Dù Trung tâm không đủ điều kiện thực tế, bị cáo Thu vẫn phê duyệt bổ sung quy mô đào tạo lên 12.000 học viên/năm dựa trên hồ sơ “ảo” từ Sở GTVT và đề nghị của Trung tâm. Giấy chứng nhận số 2 ngày 20-4-2021 được cấp mà không qua kiểm tra thực tế, vượt quy định pháp luật. Hậu quả là hàng chục ngàn học viên được tuyển sinh trái phép, không được đào tạo đúng chương trình của Bộ LĐ-TB-XH. Sở LĐ-TB-XH cũng không hề thanh tra, giám sát, để sai phạm kéo dài.
Theo đó, VKSND TP HCM truy tố Hồ Đình Thái Hòa cùng Dương Văn Đông và 7 đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Mộng Thu cùng 2 bị cáo khác bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguồn: https://nld.com.vn/lanh-dao-lam-quyen-truc-loi-hang-tram-ti-dong-196250409214420242.htm