
Để điều tra, làm rõ những vụ án giết người xảy ra trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngoài yếu tố nghiệp vụ thì lực lượng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Gia Lai phải nắm bắt được đặc tính sinh hoạt, tâm lý, phong tục tập quán của người dân địa phương, để từ đó vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm.
Lực lượng Công an dựng lại hiện trường vụ án Đinh Văn Ten (1996) và Đinh Toc sát hại em Đ.T.
Vụ án xảy ra tại Tiểu khu 1187 thuộc lâm phần BQL rừng phòng hộ Chư Mố (huyện Ia Pa, Gia Lai) đầu tháng 10-2024 là một ví dụ cho thấy để “vén màn” tội ác, các trinh sát, điều tra viên Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai đã không quản ngày đêm gian khổ, thậm chí hiểm nguy mà còn phải “tương kế tựu kế” dẫn dụ nghi phạm ra khỏi… rừng.
Theo đó, ngày 8-10, hai anh em Đinh Văn Ten (1996) và Đinh Toc (2003) đã dùng dao, gậy đánh chết em Đ.T. (2009, cùng trú tại làng Tkắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro, Gia Lai) khi cùng nhậu ở lán trại nhà Ten (tại Tiểu khu 1187). Sau đó, hai đối tượng khiêng xác em T. ném xuống suối Tul (xã Chư Mố) rồi nhặt đá, cành cây phủ lên rồi cùng nhau bỏ trốn.
Thời điểm đó, do ảnh hưởng bởi mưa bão nên 21 ngày sau khi vụ án mạng xảy ra, một người chứng kiến vụ án mạng mới về tới làng và đến cơ quan Công an trình báo. Ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng Công an đã cử các mũi trinh sát truy bắt 2 đối tượng Ten và Toc. Tuy nhiên, vị trí lực lượng Công an nghi ngờ các đối tượng đang lẩn trốn là khu vực rừng nằm ở địa bàn giáp ranh giữa huyện Ia Pa và Kông Chro rộng khoảng 5.000 ha. Các đối tượng có khả năng sinh tồn trong rừng, nắm rõ địa hình nên việc truy bắt của lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, quanh bìa rừng có hàng trăm chòi rẫy, nhiều chòi rẫy chứa lương thực của người dân cất giữ nên các đối tượng có thể ở lâu hơn trong rừng mà không cần ra ngoài…
Một cán bộ điều tra nhớ lại, lực lượng Công an phải trèo đèo, lội suối, băng rừng liên tục trong 8 tiếng đồng hồ mới đến được hiện trường. Các mũi trinh sát từ nhiều hướng được lệnh tiếp cận khu vực 2 đối tượng nghi lẩn trốn nhưng sau nhiều lần hành quân truy bắt vẫn không thu được manh mối.
Cuối cùng, lực lượng Công an đã dụng kế “vườn không, nhà trống”, rút lực lượng khỏi các khu dân cư và chỉ để lại một số ít hóa trang mật phục nhằm khiến các đối tượng chủ quan mà trở về làng. Đồng thời, lực lượng Công an “treo thưởng” 2 con bò cho người cung cấp thông tin để bắt giữ được các đối tượng. Đến ngày 15-12, người dân tại làng Tnang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) phát hiện Ten và Toc liền báo tin cho lực lượng Cảnh sát hình sự vây bắt thành công.
Thiếu tá Mai Chí Thanh, cán bộ Đội Hướng dẫn và điều tra tội phạm xâm phạm nhân thân (thuộc Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Gia Lai) cho biết: “Đây là một trong những vụ án điển hình xảy ra ở cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bởi ngoài yếu tố nghiệp vụ, lực lượng CSHS phải nắm bắt được đặc tính sinh hoạt, tâm lý, phong tục tập quán của người dân địa phương. Từ đó mới xây dựng được “thế trận lòng dân”, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm”.
Nguồn: https://cadn.com.vn/gian-nan-hanh-trinh-dan-du-hung-thu-giet-nguoi-ra-khoi-rung-post311875.html