COVID-19 trở lại, ai dễ bị “tấn công” nhất?

(NLĐO) – Số ca COVID-19 tăng nhẹ nhiều tuần, Bộ Y tế khuyến nghị người dân đeo khẩu trang tại nơi đông người, cơ sở y tế và phương tiện công cộng.

Những tuần gần đây, một số quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á ghi nhận số ca COVID-19 tăng trở lại. Dù phần lớn ca bệnh đều nhẹ, giới chuyên môn y tế vẫn cảnh báo không nên chủ quan trước diễn biến mới của dịch.

COVID-19 trở lại, ai dễ bị

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại thời điểm năm 2021. Ảnh: Thái Hà

COVID-19 tăng nhẹ trở lại ở Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Thái Lan báo cáo hơn 53.600 ca mắc và 16 ca tử vong từ đầu năm đến ngày 10-5, trong đó Bangkok ghi nhận hơn 16.700 trường hợp. Đáng chú ý, số ca mắc tại Thái Lan tăng mạnh trùng thời điểm sau Tết truyền thống, nhiều khả năng liên quan đến việc tụ tập đông người. Tuy nhiên, đa số trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ.

Số ca COVID-19 tại Singapore cũng tăng từ 11.100 ca tuần trước lên 14.200 ca trong tuần từ 27-4 đến 3-5. Tại Trung Quốc, số ca nhiễm tăng nhẹ trong hai tháng qua. Trong các ca viêm hô hấp cấp tính nặng, tỉ lệ dương tính tăng từ 3,3% lên 6,3%.

Tại Việt Nam, số ca COVID-19 tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình khoảng 20 ca mỗi tuần, thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm.

Từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên chủ quan, nhất là trong mùa hè khi người dân đi lại nhiều, tụ tập giao lưu, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết người dân không nên quá lo lắng về các ca COVID-19 hiện nay. Dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng với các ca bệnh rải rác, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong.

PGS Phu cho biết giống như cúm mùa, COVID-19 có thể diễn biến nặng ở một số nhóm nguy cơ cao như: người trên 65 tuổi; người mắc bệnh mạn tính (béo phì, tim mạch, các bệnh phổi như hen, COPD…), đái tháo đường; phụ nữ mang thai; người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ nhỏ… Vì vậy, người dân, nhất là các nhóm nguy cơ cao, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Trong bối cảnh hiện nay, dù không còn bắt buộc, việc đeo khẩu trang ở nơi đông người vẫn được khuyến khích, đặc biệt tại bệnh viện, trên phương tiện công cộng hoặc khi tham gia các sự kiện đông người.

 

Nếu trong nhà có người ho, sốt, sổ mũi, cần hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ thông khí tốt trong không gian sinh hoạt.

COVID-19 trở lại, ai dễ bị

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về phòng bệnh COVID-19

Người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe, không bỏ qua các triệu chứng bất thường. Người cao tuổi khi có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi nên đi khám sớm. Với người có bệnh nền, việc kiểm soát tốt bệnh mãn tính bằng cách dùng thuốc đều đặn, tái khám định kỳ.

Duy trì thói quen ăn uống đầy đủ, vận động nhẹ, ngủ đủ giấc và rửa tay thường xuyên, là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong phòng ngừa bệnh tật.

Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch COVID-19, ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc với tỉ lệ tử vong 0,4%. So với khu vực châu Á, số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 7 trong 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 20-10-2023, Bộ Y tế đã chuyển COVID-19 từ nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm) sang nhóm B (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong). Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo COVID-19 vẫn có thể lây lan theo mùa, nhưng nguy cơ tử vong hoặc biến chứng nặng đã giảm đáng kể.

Nguồn: https://nld.com.vn/covid-19-tro-lai-ai-de-bi-tan-cong-nhat-196250516144317812.htm