Cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình sẽ khởi công trong tháng 7/2025

Dự kiến, trong tháng 7/2025, thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình sẽ khởi công cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình. Theo quy hoạch, cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, cùng với đó là hệ thống đường gom, nút giao, trạm dừng nghỉ…

Ngày 20/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 653/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo phương thức đối tác công tư.

Theo đó, điều chỉnh giảm chiều dài đoạn Hòa Lạc – Hòa Bình từ 25,69 km xuống 23,04 km; trong đó giữ nguyên điểm đầu tuyến tại km 6+680 (trùng với điểm cuối của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến đường Hòa Lạc – Hòa Bình) thuộc xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. Thay đổi điểm cuối tuyến từ lý trình km 32+367 thành km 29+716 trên đường Hòa Lạc – Hòa Bình (giao với quốc lộ 6 tại lý trình km 65+400) thuộc địa phận phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình.

Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ khởi công trong tháng 7/2025Dự án xây dựng cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình được kỳ vọng tăng cường kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. (Ảnh: K.H).

Giữ nguyên phạm vi tuyến Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình. Mở rộng quy mô đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729: 2012) 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h; xây dựng hệ thống đường gom, nút giao, trạm dừng nghỉ, hệ thống an toàn giao thông, các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, trạm thu phí… đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình được kỳ vọng tăng cường kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực Tây Bắc. Ngoài ra, tuyến đường còn góp phần nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, đồng thời củng cố quốc phòng, an ninh.

Thời gian thực hiện chuẩn bị, đầu tư xây dựng là 2014 – 2028, trong đó dự án đang khai thác được thực hiện từ năm 2014 và đưa vào khai thác năm 2018; phần điều chỉnh quy mô thực hiện từ năm 2023 – 2028 (chuẩn bị dự án, thực hiện đối với phần điều chỉnh từ năm 2023 – 2027, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2028).

Chính phủ giao Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình: “Chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án và các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ýkiến của các bộ, cơ quan liên quan, ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Thực hiện trách nhiệm là cơ quan có thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án, tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước.

Đảm bảo cân đối, bố trí đầy đủ, kịp thời vốn ngân sách tỉnh tham gia dự án theo đúng quy định của pháp luật để triển khai dự án theo đúng tiến độ.

Tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (dự án thành phần 2) và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm vi quản lý để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đất đai và pháp luật PPP”.

Về phía UBND thành phố Hà Nội, Chính phủ yêu cầu: “Tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (dự án thành phần 1) và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm vi quản lý để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đất đai và pháp luật PPP. Phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hòa Bình trong quá trình triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật”.

Bộ Tài chính có trách nhiệm: “Thực hiện chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành; thực hiện theo dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải trình đối với các nội dung tại báo cáo kết quả thẩm định; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu phát hiện các vấn đề không phù hợp với quy định pháp luật, ảnh hưởng đến mục tiêu, hiệu quả của dự án”.

Các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn UBND tỉnh Hòa Bình, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan trọng quá trình triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật.

Theo thông tìn từ UBND tỉnh Hoà Bình, UBND tỉnh giao UBND thành phố Hòa Bình làm chủ đầu tư; lập, trình thẩm định, phê duyệt “Dự án thành phần 2 thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa phận tỉnh Hòa Bình”; quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên toàn bộ tuyến đường trong quá trình triển khai dự án. Tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai, xây dựng, không để tình trạng xây dựng nhà lấn chiếm, trái phép…

Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng cơi nới, xây mới các công trình nhà ở, nhà tạm; trồng thêm cây, xây mộ giả… để trục lợi. Xây dựng phương án tái định cư đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn sau khi bị thu hồi đất.

Dự kiến, trong tháng 7/2025, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hoà Bình sẽ khởi công cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình.

https://laodongthudo.vn/cao-toc-hoa-lac-hoa-binh-se-khoi-cong-trong-thang-72025-187644.html