Khi cái ác lồng lộn giữa nơi cứu người

(VTC News) – 

Nghịch lý gây chua xót nhất của ngành Y tế là cái ác lộng hành ở nơi hành thiện cứu người, người nhà bệnh nhân đứng giữa khoa cấp cứu dọa “giết cả họ” bác sỹ.

“Muốn chết cùng tao không? Tao giết mày luôn!”, đây là lời con trai một nữ bệnh nhân 68 tuổi hét vào mặt bác sỹ T., khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) sáng 6/8/2022 sau khi ông cố gắng khuyên nên cho người bệnh đi vệ sinh tại giường. Bà đang suy hô hấp nặng, phải thở ôxy và truyền dịch, nếu di chuyển vào toilet sẽ nguy hiểm.

Bác sỹ T. nhiều lần giải thích trong tiếng chửi bới của gã thanh niên, và sau câu đe dọa trên, hắn xông tới tung cú đấm vào ngực ông. Thấy bác sỹ gạt được cú đòn, tên này chạy ra ngoài rồi nhanh chóng quay lại, liên tục tấn công ông bằng thanh móc nhọn của dụng cụ cắt móng tay. Chỉ khi nhiều người hô hoán, kẻ côn đồ mới rời đi.

Chỉ 10 ngày trước đó, đồng nghiệp của ông T. trong ca trực cũng bị bố một bệnh nhân 10 tuổi chửi mắng, bóp cổ và dọa đánh chết, chỉ vì bác sỹ yêu cầu chờ ít phút để chuyên gia tai mũi họng đến nội soi lấy xương cá bị hóc (đây không phải là ca bệnh nguy hiểm cần xử lý khẩn cấp). Sau đó mấy tháng, vị bác sỹ này xin nghỉ việc để sang một bệnh viện tư có hàng rào bảo vệ nhân viên y tế khoa Cấp cứu tốt hơn.

Những chuyện tương tự xảy ra ở rất nhiều bệnh viện, trung tâm y tế khắp cả nước những năm qua, khiến không ít thầy thuốc buồn bã than thở: “Có lẽ không ở xứ nào mà nghề bác sỹ lại nguy hiểm như ở ta”.

“Không đếm xuể, nhớ xuể các vụ hành hung, chửi bới trong khoa Cấp cứu, có nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân dọa giết cả họ”, đó là lời một bác sỹ có gần 20 năm gắn bó với lĩnh vực này, người vô số lần chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị chửi mắng, hành hung khi đang cố cứu người bệnh, từng chia tay nhiều đồng nghiệp xin nghỉ việc để sang môi trường an toàn hơn.

Bác sỹ Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) bị người nhà bệnh nhi đánh khi đang trao đổi về cách xử lý vết thương.

Bác sỹ Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) bị người nhà bệnh nhi đánh khi đang trao đổi về cách xử lý vết thương.

Không thể trách các bác sỹ tự bảo vệ mình theo cách rút lui, khi mà bệnh viện không làm được điều đó. Muốn cứu người, trước hết bác sỹ phải được bảo đảm an toàn, đặc biệt là trong lúc làm nhiệm vụ, khi mà mỗi sự cố họ gặp phải đều ảnh hưởng trực tiếp đến an nguy của bệnh nhân.

Một trong những nghịch lý gây chua xót nhất của ngành y là cái ác lại lộng hành ở nơi hành thiện cứu người, núp bóng cơn phẫn nộ vô lý, bạo ngược của những người đang phải cầu bác sỹ giúp thân nhân của mình giành lại sức khỏe và sự sống. Thay cho sự hợp tác để việc khám và điều trị đạt hiệu quả ca nhất, những kẻ này lồng lên đánh đập, lăng mạ, tấn công y bác sỹ bằng hung khí… chỉ vì người nhà không được khám ngay lập tức, vì những nghi ngờ vô căn cứ về chuyên môn bác sỹ hoặc đơn giản là vì bị trái ý.

Điều gì đã khiến lòng biết ơn và sự cảm thông – những giá trị nhân văn cơ bản nhất – lại bị xói mòn đến mức người nhà bệnh nhân điên cuồng trút cơn giận dữ và hành động bạo lực lên những người đang tận tâm cứu chữa cho thân nhân của họ?

Điều gì dẫn đến nghịch lý chua chát, bệnh viện – biểu tượng của sự thánh thiện, nơi xoa dịu nỗi đau, níu giữ sự sống, tưởng chừng là nơi cái ác không thể chạm đến – lại trở thành hiện trường của các vụ bạo lực kinh hoàng, và người thầy thuốc, trên chính địa bàn của mình, nắm vai trò cầm trịch, lại trở nên yếu thế, dễ bị tổn thương?

Mất kiểm soát do quá lo lắng cho thân nhân đau ốm chỉ là lời ngụy biện, vì bao nhiêu bệnh nhân nguy kịch hơn nhiều nhưng người nhà của họ không hành xử như vậy.

Bệnh viện không còn là nơi an toàn cho thầy thuốc, đây là hậu quả của sự xuống cấp về đạo đức, của lối hành xử tôn sùng bạo lực, kiểu suy nghĩ ích kỷ coi mình là cái rốn của vũ trụ, biểu hiện ra bằng hành động hung hãn, phi lý và vô ơn.

Hơn thế nữa, cái ác được “nuôi dưỡng” bởi sự thờ ơ, thiếu phản ứng mạnh mẽ của các lực lượng thực thi pháp luật. Nhiều vụ hành hung bác sỹ chỉ bị coi là hành vi gây rối trật tự công cộng, xử lý hành chính, phạt tiền, cảnh cáo. Không bị xử lý thích đáng, những kẻ có máu côn đồ càng được nước lộng hành, khiến nhiều y bác sỹ phải lạnh lòng rời bỏ khoa cấp cứu, nơi mà họ rất dễ trở thành nạn nhân.

Để dập tắt mầm mống cái ác trong bệnh viện, trước tiên cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đủ sức răn đe. Hành vi hành hung nhân viên y tế cần bị xử lý hình sự nghiêm khắc như tội chống người thi hành công vụ. Công việc của bác sỹ là bảo vệ mạng sống con người, cản trở hoạt động này hoặc đe dọa, gây nguy hiểm sức khỏe, tính mạng người đang thực hiện nhiệm vụ này là tội nặng.

Một điều không kém phần quan trọng là khôi phục niềm tin giữa bệnh nhân và bác sỹ , xây dựng mối quan hệ này trên sự tôn trọng, thấu hiểu và cảm thông để cái ác không còn cơ hội len lỏi giữa nơi vốn dĩ được gọi là thiêng liêng nhất – nơi cứu người.