
Trong quý I/2025, Quảng Ninh đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.209 tỷ đồng, tương đương 10,2% kế hoạch năm. Đây là mức cao hơn cùng kỳ 2024 (7,7%) và cao hơn trung bình cả nước (9,5%).
Quảng Ninh đang tăng tốc thực hiện các dự án đầu tư công.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, thúc đẩy giải ngân ngay từ đầu năm
Xác định đầu tư công là động lực quan trọng để tăng trưởng, Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Ngày 6/2/2025, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 1488-TB/TU về đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Ngay sau đó, UBND tỉnh cũng ra Thông báo số 31/TB-UBND (11/2/2025), phân công các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, giải quyết vướng mắc cho từng dự án.
Lãnh đạo tỉnh đã làm việc trực tiếp với các địa phương, chủ đầu tư để tháo gỡ điểm nghẽn. Tất cả các đơn vị đều phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng, quý, đảm bảo dòng vốn được giải ngân đúng tiến độ, không để tồn đọng.
Gỡ “nút thắt” lớn: Vật liệu san lấp, giải phóng mặt bằng
Một trong những rào cản lớn nhất trong giải ngân đầu tư công là thiếu hụt vật liệu san lấp và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Để xử lý triệt để, UBND tỉnh đã ban hành Bộ đơn giá bồi thường tài sản gắn liền với đất, đồng thời tích cực chỉ đạo thu hồi tạm ứng, quyết toán các dự án.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã công bố 14 khu vực khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp với tổng trữ lượng hàng chục triệu m³. Việc cấp giấy phép điều tiết đất, đá dư thừa từ các dự án xây dựng cũng được đẩy nhanh, giúp khơi thông nguồn cung vật liệu. Nhờ đó, nhiều dự án trọng điểm như đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến Đông Triều hay đường kết nối cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến cảng Vạn Ninh đã cơ bản giải quyết được bài toán mặt bằng.
Điều chỉnh vốn linh hoạt, không để vốn “đóng băng”
Theo Kho bạc Nhà nước khu vực III, kế hoạch vốn năm 2025 của Quảng Ninh hiện đạt 13.002 tỷ đồng, tăng 1.096 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm. Tuy nhiên, một số dự án phải tạm dừng theo chủ trương sắp xếp bộ máy của Trung ương (70 dự án với tổng vốn 399,7 tỷ đồng).
Để đảm bảo không lãng phí nguồn lực, tỉnh đã chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án bị tạm dừng sang các dự án khác, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục. Các địa phương đã hoàn thiện phương án phân bổ lại vốn, chỉ còn một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phải trình UBND tỉnh xin ý kiến trước khi triển khai.
Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/3-thang-dau-nam-quang-ninh-giai-ngan-hon-1200-ty-von-dau-tu-cong-136624.html